Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn đang khá chủ quan khi cho rằng môi trường hiện tại của con đã an toàn trong phạm vi gia đình, nhà trường. Trên thực tế, những hành động xâm hại có thể diễn ra nhanh chóng và trẻ thường sợ hãi không dám chia sẻ với bố mẹ khiến sự việc đau lòng mãi chỉ là nỗi đau âm ỉ suốt quãng đời trẻ.

Với tư cách là cha mẹ, những người bảo vệ, chúng ta trước hết cần giáo dục trẻ cách tự bảo vệ bản thân trước các tình huống dễ bị xâm hại. PANTS RULE là một trong những phương pháp phổ biến được dạy ở nhiều trường mẫu giáo tại châu Âu.

Quy tắc Pants Rule

P - Privates are private (Bộ phận riêng tư là riêng tư)

- Khẳng định với trẻ rằng những bộ phận ở khu vực quần chip là bộ phận riêng tư

- Giải thích cho trẻ rằng không ai có thể yêu cầu con cho họ xem hoặc chạm vào những bộ phận riêng tư. Con cũng không được đồng ý khi ai đó bảo con nhìn hay chạm vào chỗ riêng tư của họ.

- Đôi khi bác sĩ, y tá hay các thành viên trong gia đình phải làm như vậy nhưng họ sẽ phải GIẢI THÍCH với con vì sao cần phải làm như thế và con phải đồng ý trước.

A - Always remember your body belongs to you (Cơ thể con là của con)

- Khẳng định rằng cơ của trẻ thuộc về chính con, con có toàn quyền và không lệ thuộc vào ai khác

- Không ai có quyền bắt con làm những điều con không thích. Dạy con nói "KHÔNG" khi con không thích yêu cầu của người khác.

- Luôn nói với con rằng con lúc nào cũng có thể kể chuyện với bố mẹ, về tất cả những điều khiến con buồn hay lo lắng.

N - No means No (Không là không)

- Hãy chắc chắn con bạn hiểu rằng con có quyền nói KHÔNG với những đụng chạm của người khác - kể cả thành viên gia đình hay những người quen biết.

- Tất cả mọi người phải tôn trọng quyết định và cảm giác của con. Nếu một đứa trẻ tự tin nói KHÔNG với những người thân quen, con cũng sẽ biết từ chối với những người khác.

T - Talk about secrets that upset you

- Giải thích cho con về bí mật "tốt" và "xấu". 

  • Bí mật tốt là những thứ như món quà bất ngờ, những điều thú vị sẽ làm mọi người thấy vui
  • Bí mật xấu là điều khiến con lo lắng, sợ hãi, buồn bã

- Con nên được hiểu rằng mọi điều con chia sẻ sẽ không làm con buồn thêm và không ai trách mắng con về những điều đó.

S - Speak up, someone can help (Con cứ nói, đừng sợ)

- Nói với con rằng nếu con thấy buồn, sợ hãi, con hãy nói chuyện với 1 người lớn mà con tin tưởng. Người đó không hẳn là một thành viên gia đình mà có thể là thầy cô hoặc bố mẹ của bạn.

Nếu con còn quá nhỏ để hiểu và ghi nhớ được hết những điều này, bố mẹ nên dành thêm thời gian để thường xuyên quan tâm, hỏi han con về những hoạt động con thường làm và những người mới gặp để tạo cho con thói quen chia sẻ.