Sống chung với ô nhiễm không khí trong nhà là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng cũng có rất nhiều cách để giúp chúng ta giảm thiểu những tác hại không mong muốn này.
Ngày nay, không chỉ ngoài đường phố, ô nhiễm không khí trong nhà đã không còn là từ khóa mới mẻ. Các nhà khoa học sau nhiều nghiên cứu đã thấy được tầm quan trọng của chất lượng không khí trong nhà đối với sức khỏe con người. Bởi chúng ta thường dành khoảng 90% thời gian ở các không gian trong nhà, cho dù ở nhà, nơi làm việc hay di chuyển đến các nơi khác (phòng tập, trường học, bệnh viện...).
Một đoạn trong Leviticus (quyển thứ ba trong Kinh thánh Do thái và Cựu ước) cho thấy, người Do Thái đã nhận ra các ngôi nhà ẩm ướt là nguy cơ gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Vào thế kỷ 18, "thiếu sự lưu thông gió" được xác nhận là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ bệnh truyền nhiễm. Khoảng giữa thế kỷ 19, việc này đã được báo cáo rằng "sự thiếu lưu thông gió... gây tử vong cao hơn so với tất cả các nguyên nhân khác cộng lại".
Tuy nhiên, các nghiên cứu chuyên sâu về chất lượng không khí trong nhà mới thực sự bắt đầu được tiến hành vào những năm 1960. Ban đầu, nghiên cứu chỉ ra mối nguy hiểm của khí radon và khói thuốc lá trước khi mở rộng đến những hợp chất hữu cơ như formaldehyde - một hóa chất gia dụng phổ biến có thể gây ra các bệnh ung thư và các vấn đề về hô hấp - vào đầu những năm 1970. Cho đến cuối những năm 1990, mạt bụi nhà (house dust mites) và hội chứng nhà cao tầng (sick building syndrome – SBS) đã được chứng minh và cuối cùng, các nhà khoa học tập trung vào các loại bệnh dị ứng do ô nhiễm không khí trong nhà gây ra.
Vần đề ô nhiễm không khí trong nhà trong thiên niên kỷ mới đang hướng về các nước đang phát triển, nơi có khoảng 3 tỷ người nấu ăn và sưởi ấm bằng cách nhóm lửa và sử dụng các loại bếp thông thường (nhóm bằng củi và than). Đây chính là nguyên nhân tiếp theo gây ra ô nhiễm không khí trong nhà, khiến đến 4.3 triệu người tử vong mỗi năm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, có khoảng 99.000 ca tử vong mỗi năm ở châu Âu do ô nhiễm không khí trong nhà gây ra. Luật pháp đã đưa ra những quy định nhằm giúp giảm thiểu các chất gây ô nhiễm trong môi trường làm việc, cũng như việc cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, nhưng để thực hiện được là điều vô cùng khó khăn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là những ngôi nhà càng hiện đại lại càng bị ô nhiễm không khí. Ngôi nhà điển hình có chứa nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau như: sưởi ấm, nấu ăn, chất tẩy rửa, khói thuốc, nước hoa và đồ nội thất. Thậm chí, chỉ một hành động di chuyển đơn giản cũng làm khuấy động những hạt bụi trong nhà. Nhu cầu nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà sẽ đi kèm với mối lo ngại rằng, những tòa nhà càng kín gió càng gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí bên trong. Vì thế, không khí bên trong các ngôi nhà hiện đại có thể chứa rất nhiều "rác" không mong muốn như các loại hạt (vi hạt bằng chất rắn hoặc chất lỏng), khí carbon monoxide (CO), oxit nitơ, hợp chất hữu cơ formaldehyde, khí radon và các hóa chất dễ bay hơi từ các mùi hương trong chất tẩy rửa thông thường. Ngoài ra còn có thêm "bioaerosols “ - các vi sinh vật trong không khí, vi khuẩn, nấm, virus, mạt bụi nhà và những mảnh vụn từ da người hoặc lông động vật.
Mặc dù việc sống chung với ô nhiễm không khí trong nhà là điều không thể tránh khỏi, nhưng các chuyên gia cho rằng có rất nhiều cách để giúp giảm thiểu lượng khí gây ô nhiễm. Sau đây là những cách rất đơn giản nhưng thật hiệu quả giúp thanh lọc không khí trong nhà mà bạn có thể dễ dàng thực hiện:
- Thường xuyên mở cửa sổ để tăng cường sự lưu thông gió. Nếu bạn đang nấu ăn thì việc sử dụng quạt hút là điều rất quan trọng, bởi nếu không mức nitrogen dioxide (NO2) rất có thể vượt quá mức ô nhiễm trên đường phố.
- Không nên hút thuốc lá hay đốt nến trong nhà, đặc biệt là các loại nến đã được tẩm ướp hương liệu. Nếu sử dụng lò sưởi đốt củi, hãy đảm bảo rằng nó được trang bị và lắp đặt đúng cách. Ngoài ra, hãy đặt thêm hệ thống dò khí carbon monoxide (CO) trong nhà bởi khí carbon monoxide được xem là "sát thủ thầm lặng" dẫn đến nhiều ca tử vong trên thế giới mỗi năm.
- Giữ độ ẩm trong nhà khoảng từ 40% đến 60% và luôn đảm bảo rằng sự lưu thông gió thích hợp với những nơi ẩm ướt như phòng tắm. Cách này giúp ngăn chặn nấm mốc và hạn chế các bệnh liên quan đến các triệu chứng về đường hô hấp.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm làm sạch hoặc làm mát không khí, đặc biệt là những loại có chứa chất giúp tạo mùi thơm ... cho không gian.
- Nên trồng một số cây có tác dụng thanh lọc không khí trong nhà, vừa tạo không gian xanh cho ngôi nhà vừa có thể giúp làm giảm nồng độ hợp chất hữu cơ formaldehyde.
- Nên thay các thảm vải bằng các loại sàn nhà có bề mặt cứng như gạch hoặc gỗ vì ngoài việc dễ dàng lau chùi, các loại thảm vải còn có thể giúp bụi bẩn và lông của vật nuôi bám vào và quay trở lại không khí.
- Sử dụng thảm chùi chân để giúp ngăn chặn bụi bẩn xâm nhập vào nhà và nên cởi giày dép để bên ngoài trước khi bước vào nhà.
- Nên sử dụng máy lọc không khí có màng lọc Hepa + Than hoạt tính và chức năng cảm biến chất lượng không khí để giúp lọc sạch bụi, hạt mịn, các tác nhân gây dị ứng và vi khuẩn trong nhà
Nguồn: Boneco Việt Nam