"Không khí ô nhiễm đang đầu độc hàng triệu trẻ em và làm hỏng cuộc sống của các em", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một tuyên bố. "Điều này không thể tha thứ được. Mỗi đứa trẻ đều có quyền hít thở không khí trong lành, để có thể lớn lên và phát huy toàn bộ tiềm năng của bản thân".

Trẻ em đang phải hít thở không khí độc hại mỗi ngày.

Từ hôm nay 30 tháng 10 cho đến hết ngày 1 tháng 11, tại Geneva, Thụy Sĩ đang diễn ra Hội nghị toàn cầu về Ô nhiễm không khí và sức khỏe. Đây là hội nghị đầu tiên được WHO tổ chức về vấn đề này. Trước thềm hội nghị, WHO công bố một báo cáo dựa vào các số liệu chất lượng không khí trên toàn cầu và tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em. Trong đó ghi nhận các hạt sulfate và bụi đen (carbon vô định hình sinh ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn các chất hữu cơ) có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) có thể tích tụ trong hệ hô hấp và hệ tim mạch..

Trẻ em đang phải hít thở không khí độc hại mỗi ngày.

Các chất ô nhiễm này xuất hiện rất nhiều trong không khí ngoài trời (AAP), từ khí thải xe cộ hoặc các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Nhưng chúng cũng được tìm thấy cả ở không khí trong nhà (HAP), từ vật liệu xây dựng hoặc từ khói nấu ăn, khói thuốc lá và hệ thống sưởi ấm làm mát.

WHO ước tính có 7 triệu người chết sớm do sự ảnh hưởng kết hợp của HAP và AAP hàng năm. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả vì hệ hô hấp, thần kinh, tim mạch và miễn dịch vẫn đang trong quá trình phát triển chưa hoàn thiện.

Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ô nhiễm không khí

Báo cáo cho thấy trẻ em ở các nước có thu nhập thấp và trung bình có gấp đôi khả năng phải hít thở không khí độc hại so với trẻ em ở các nước có thu nhập cao. 10% trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp. Đó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhóm tuổi, đứng thứ 2 chỉ sau sinh non.

Ở một số khu vực, chẳng hạn như vùng Châu Phi cận sa mạc Sahara, nhiễm trùng hô hấp cấp tính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, bởi phụ nữ mang thai tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm có nguy cơ sinh non cao hơn, hai nguyên nhân gây tử vong cho trẻ sơ sinh này gắn liền với nhau.

"Cả AAP và HAP đều có liên quan đến tăng huyết áp trong thai kỳ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho thai phụ trên toàn thế giới" và "liên quan đến kết quả sinh sản bất lợi, bao gồm sinh non và sinh nhẹ cân", báo cáo của WHO viết.

Ô nhiễm không khí có liên quan tới vấn đề sinh sản bất lợi và sinh non, sinh nhẹ cân

Vậy giải pháp là gì? Theo Maria Neira, người đứng đầu bộ phận Y tế và Môi trường công cộng của WHO, chỉ có hợp tác quốc tế và việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo mới giúp chúng ta cứu sống được những đứa trẻ của các thế hệ tương lai.

"Ô nhiễm không khí đang kìm hãm não bộ của thế hệ con cái chúng ta, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng theo nhiều cách hơn so với chúng ta nghi ngại, nhưng có rất nhiều cách đơn giản để giảm phát thải các chất gây ô nhiễm nguy hiểm", Neira cho biết.

Ô nhiễm không khí đang kìm hãm não bộ của thế hệ con cái chúng ta

"WHO đang hỗ trợ thực hiện các biện pháp chính sách y tế thông minh như tăng tốc quá trình chuyển đổi nhiên liệu sạch trong nấu ăn và và sưởi ấm, thúc đẩy sử dụng giao thông sạch, nhà ở tiết kiệm năng lượng và quy hoạch đô thị".

Tại Việt Nam, thiết bị quan trắc được đặt trên mái nhà Tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và trên mái Tòa Lãnh sự quán ở TPHCM, sử dụng nguyên tắc đo lường suy giảm beta để cung cấp nồng độ PM2.5 hằng giờ theo đơn vị microgram trên mét khối (PM là viết tắt của chất dạng hạt, còn được gọi là ô nhiễm dạng hạt - thuật ngữ để chỉ một hỗn hợp các hạt rắn và giọt chất lỏng được tìm thấy trong không khí).

Hà Nội và TP.HCM là những thành phố có nồng độ bụi trong không khí cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn quốc gia và vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. Kết quả cho thấy, trong năm 2016, tại Hà Nội chỉ số AQI trung bình là 121 điểm (Chỉ số chất lượng không khí). Năm 2016 có tới 123/365 ngày nồng độ bụi trong không khí cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn quốc gia và 282/365 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong quý 1 năm 2017, con số này lần lượt là 37 và 78 ngày.

Tại TP.HCM, mặc dù ô nhiễm không khí không nghiêm trọng như Hà Nội nhưng so với cùng kỳ năm 2016, chất lượng không khí có xu hướng kém đi. Trong 3 tháng đầu năm, chỉ số AQI ở TP.HCM là 101 điểm, 78 ngày vượt quá quy chuẩn WHO. Tại Việt Nam, chỉ số PM10/ngày là 150 μg/m3, cao gấp 3 lần so với chuẩn châu Âu và chuẩn WHO (50 μg/m3).

Tham khảo Motherboard