Mùa lạnh cơ thể chúng ta trở nên nhạy cảm hơn, sức đề kháng liên tục bị tấn công do các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt là khí hậu tại miền Bắc Việt Nam. Để tránh mắc bệnh chúng ta nên áp dụng những biện pháp nào hiệu quả nhất?
PHÂN BIỆT CẢM LẠNH VÀ CẢM CÚM:
Cảm lạnh
Cảm lạnh thường bắt đầu bằng triệu chứng đau họng và sẽ khỏi sau 1 - 2 ngày. Các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, cùng với ho sẽ xuất hiện khoảng ngày thứ tư và thứ năm. Người lớn bị cảm lạnh thường ít sốt cao, nhưng có thể bị sốt nhẹ. Trẻ em có nhiều khả năng bị sốt khi mắc cảm lạnh. Vài ngày đầu, người bệnh chảy nước mũi trong. Sau đó, nước mũi trở nên đặc và chuyển sang màu xanh hoặc vàng, đó là tiến triển rất tự nhiên do vậy bạn không nên quá lo lắng.
Phần lớn các trường hợp cảm lạnh không kéo dài ngày, triệu chứng nhẹ, ít sốt cao và khả năng lây ít hơn so với bệnh cúm, thường không gây đau nhức mình mẩy. Cảm ít khi gây ra biến chứng và sẽ tự hết. Tuy nhiên, ngủ kém, dinh dưỡng không đủ khiến sức đề kháng kém đi, đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng, mẫn cảm, sức đề kháng kém (trẻ em, người cao tuổi, người đang bị bệnh) mới dễ bị cảm sụt sùi. Do đó, cảm lạnh cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để virut cúm tấn công tiếp theo sau đó, đặc biệt là vào mùa lạnh (Thu Đông)
Cảm cúm
Vào mùa lạnh, người ta rất coi trọng bệnh cúm vì khả năng virut sống, tồn tại trong môi trường ở nhiệt độ thấp, thiếu độ ẩm dễ dàng hơn và lây lan nhiều hơn. Đặc biệt vào mùa lạnh, cơ thể người “hợp” với virut cúm nhiều hơn vì lúc đó sức đề kháng dễ suy giảm. Cúm nhiều khi lây cho cả gia đình. Triệu chứng cúm xuất hiện đột ngột và rất rầm rộ như sốt rất cao (39 - 40oC), đau nhức mình mẩy, đau hốc mắt, sổ mũi, hắt xì với tần suất nhiều, thậm chí cả nôn mửa và tiêu chảy.
Cảm cúm là tình trạng viêm mũi cùng với viêm họng do virut gây ra (có tới hơn 200 loại virut gây bệnh này). Cảm cúm thông thường không nguy hiểm, nhưng nếu chủ quan, nhất là trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính lại là vấn đề không thể chủ quan.
Cảm cúm thông thường bắt đầu với sự mệt mỏi, toàn thân rã rời, cảm giác lạnh toàn thân, hắt hơi, đau đầu kéo dài trong vài ngày, sau đó là chảy mũi và ho. Các triệu chứng có thể bắt đầu sau 16 giờ mắc bệnh, đỉnh điểm 2-4 ngày sau khi khởi phát. Các triệu chứng thường chấm dứt sau 7-10 ngày nhưng một số có thể kéo dài tới 3 tuần. Kinh nghiệm cho thấy trong những ngày lạnh và mưa, nhất là thời tiết ẩm ướt kèm theo mưa phùn kéo dài là điều kiện thuận lợi cho virut phát triển nên có nhiều người bị bệnh... Hơn nữa, thời tiết lạnh ẩm làm hệ thống hô hấp của con người nhạy cảm hơn. Đặc biệt, mùa xuân là mùa gia tăng các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, các bệnh phổi tắc nghẽn... nên số người cảm cúm cũng gia tăng.
Bệnh cúm ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động, vì người mắc bệnh cảm vẫn có thể đi làm được. Còn theo thời gian, các triệu chứng của bệnh càng diễn tiến càng làm cho người bệnh mệt mỏi, toàn thân đau nhức, đau hốc mắt, cay mắt, chảy nước mắt và dễ lây bệnh cho người khác nên phải ở nhà ít nhất từ 3 - 5 ngày.
Điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng cách hạ sốt, giảm ho, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn nhiều trái cây tươi. Đối với cúm nặng hoặc cúm trên cơ địa đặc biệt, người ta mới dùng đến thuốc kháng virut. Một biến chứng phổ biến của cúm là viêm phổi, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, hen suyễn hoặc những người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, phổi.
Do đó, bệnh nhân phải theo dõi hơi thở. Nếu bị khó thở, thở hổn hển, thở gấp hoặc thở mệt, bệnh nhân phải được nhập viện để bác sĩ theo dõi sát diễn tiến của bệnh và kịp điều trị, phòng ngừa các biến chứng nặng. Một dấu hiệu thông thường khác của bệnh viêm phổi là sốt xuất hiện trở lại sau khi đã biến mất trong một hoặc hai ngày.
Những đối tượng dễ mắc cảm lạnh và cảm cúm:
Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế lây lan virut. Những người có hệ miễn dịch kém có khả năng mắc bệnh rất cao. Thiếu ngủ và suy dinh dưỡng cũng dễ bị cảm cúm vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Ở trẻ nhỏ, nó ảnh hưởng trực tiếp tới khí quản, gây nên triệu chứng viêm thanh quản do kích thước đường hô hấp ở trẻ nhỏ.
Mùa đông và mối tương quan với bệnh cảm cúm
1. Thời tiết lạnh ảnh hưởng đường thở
Các virus cảm cúm thường đi vào cơ thể thông qua đường thở. Bản thân mũi của chúng ta có một lớp lót mũi có cơ chế phòng vệ khá phức tạp để ngăn chặn những loại virus này. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi trời trở lạnh, nhất là vào mùa đông, không những lạnh mà còn hanh khô thì vùng sống mũi thường bị lạnh, lớp lót mũi bị giảm tác dụng đáng kể và các loại virus nhờ đó mà đi vào cơ thể dễ dàng hơn. Điển hình như Virus Rhinovirus – một loại virus thực sự phù hợp với trời lạnh.
2. Thiếu Vitamin D từ ánh sáng mặt trời
Vào mùa đông, ánh nắng mặt trời thật sự khá là hiếm hoi xuất hiện và tất nhiên điều này sẽ gây tác động đáng kể đến việc hấp thụ Vitamin D của cơ thể - Vitamin giúp cơ thể xây dựng các rào chắn chống virus hiệu quả và hạn chế mức độ sản sinh của virus cúm.
Hơn nữa, điều không thể phủ nhận là vào mùa đông, chúng ta thường ở trong nhà nhiều hơn là đi ra ngoài. Phần nào đó, điều này sẽ làm cho virus cúm dễ dàng lây lan từ người này sang người khác cách nhanh chóng, khiến cho virus (nhất là chủng virus influenza) dễ dàng bùng phát.
Để giúp phòng tránh bệnh cảm và bệnh cúm hiệu quả, tất cả chúng ta nên thực hiện tốt những điều đơn giản sau:
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước thường xuyên,
- Nếu trong lớp học, cơ quan... có người bị bệnh cảm hay bệnh cúm thì nên cho cách ly để tránh lây lan.
- Vệ sinh sạch sẽ các công trình phụ và các vật dụng dễ bị dính dịch tiết chứa virus như bàn phím máy tính, điện thoại di động...
- Tiêm phòng bệnh cúm là cách tốt nhất ngăn chặn bệnh dịch.
- Đi gặp bác sĩ khi bạn nghi ngờ các dấu hiệu sốt cao lâu khỏi, ho kéo dài, đau ngực...
- Tập thể dục, giữ vệ sinh thân thể... giúp phòng ngừa cảm cúm hiệu quả.
- Để điều trị cảm cúm, hiện tại không có loại thuốc hay thảo dược nào có thể làm giảm thời gian bị nhiễm bệnh. Việc điều trị chỉ làm giảm các triệu chứng bệnh. Khi bị bệnh, cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi nhiều hơn, chú ý uống nhiều nước (nước quả tươi giúp tăng cường vitamin sẽ tăng sức đề kháng cũng như đỡ khô háo cổ họng). Súc miệng bằng nước muối là phương pháp đơn giản, hiệu quả. Ngoài ra, các loại thuốc nhỏ mũi giúp thông mũi cũng khá hiệu quả trong điều trị cảm cúm.
- Sử dụng thiết bị tạo độ ẩm như máy tạo độ ẩm và máy lọc không khí ô nhiễm trong phòng để duy trì sức khỏe, sức đề kháng giảm thiểu khả năng mắc các bệnh lý trên.
Qua bài viết của Boneco.vn, mong bằng bạn đã biết được Cảm là gì? Cúm là gì? Tại sao mùa lạnh lại dễ bị cảm và cúm? Nhờ đó hiểu rõ được sự khác biệt của hai bệnh này mà có giải pháp điều trị cũng như phòng ngừa bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chúc bạn luôn mạnh khỏe.