Trẻ con không được sinh ra với khả năng kiểm soát cảm xúc ngay từ ban đầu, vậy nên cha mẹ cần là người giúp con kiểm soát và định hướng hành vi.
Những đứa trẻ luôn thành thật với cảm xúc, khi buồn thì khóc, khi bực bội thì la hét, khi vui thì hiếu động, khi không có được thứ mình mong muốn thì phản ứng gay gắt, thậm chí là tức giận, la hét...Phản ứng tức giận của trẻ rất dễ khiến bố mẹ tức giận theo và đưa ra cách xử lý không đúng, vậy nên xử trí thế nào trong những trường hợp này?
Bố mẹ hiểu con có thể tức giận và không đánh đồng mọi thứ thành "nhõng nhẽo"
Tâm lý trẻ nhỏ hầu hết đều rất đơn thuần, trẻ thể hiện tình cảm theo cách "thuần khiết" và mạnh mẽ. Vậy nên nhiều khi bố mẹ đột nhiên nhìn thấy sự đam mê, háo hức, say sưa và cho rằng như vậy rất đáng yêu. Thế thì cảm xúc "tức giận" ở một đứa trẻ cũng là chuyện hoàn toàn bình thường.
Một trong những vấn đề khiến nhiều phụ huynh cảm thấy "đau đầu" và khó chịu nhất chính là việc cho rằng sự tức giận của trẻ thực ra là do nhõng nhẽo hay vòi vĩnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cách xử lý của bố mẹ, đôi khi chỉ muốn sử dụng đòn roi để "trấn áp".
Vậy bố mẹ nên làm gì khi con tức giận?
1. Thừa nhận việc trẻ tức giận là bình thường
Để trẻ có quyền sống đúng với cảm xúc của mình, bố mẹ đừng nên mặc định con luôn phải ngoan và nghe lời. Bố mẹ có thể không đồng tình với thái độ tức giận của trẻ, không đồng ý với yêu cầu của trẻ, nhưng hãy để cho trẻ khóc lóc, rên rỉ, thậm chí la hét một chút...chẳng phải chính chúng ta khi tức giận cũng đều làm như vậy để cảm thấy thỏa cơn tức trong lòng hay sao. Vậy sao trẻ con lại không thể?
2. Cho con một số cách để giải tỏa cơn tức
Xé giấy, đấm vào gối, vẽ lung tung trên giấy đều là những phương án có thể áp dụng, nhưng bố mẹ cũng cần kiểm soát không cho trẻ đánh người khác, không được đập phá đồ đạc... Nếu trẻ muốn và bố mẹ có thể chấp nhận được, bố mẹ có thể ở bên cạnh trẻ khi trẻ tức giận, còn không bố mẹ có thể ở phòng khác để bé tự xử lí cảm xúc của mình. Nhưng để bé ở một mình không có nghĩa là phạt trẻ ở một mình vì tức giận mà là cho trẻ thời gian để nguôi giận. Nếu trẻ nghĩ đó là phạt và không muốn bị ở một mình, hãy ngồi bên cạnh trẻ. Và sau khi xả xong cơn tức giận, trẻ sẽ phải dọn dẹp lại “bãi chiến trường”.
3. Khẳng định lại mong muốn của trẻ
Việc thứ tư, sau khi trẻ đã qua cơn tức giận, đó mới là lúc bố mẹ và trẻ nói chuyện với nhau. Khi tức giận, trẻ sẽ không lắng nghe và không muốn tiếp chuyện ai cả. Bố mẹ nên mở đầu câu chuyện bằng việc mô tả lại vấn đề, con muốn gì và nhắc lại.
Sau đó mới là bố mẹ nghĩ thế nào và phương án giải quyết là gì. Việc được bố mẹ hiểu mong muốn của mình cũng sẽ giúp trẻ nguôi giận hơn, tranh luận vào trọng tâm hơn.
Không nên tranh cãi đúng sai với trẻ, hãy đi vào vấn đề “giải quyết như thế nào”. Ví dụ, “Con muốn ăn bánh nhưng mẹ nghĩ ăn bánh giờ này là không phù hợp vì sắp đến giờ ăn cơm rồi. Con có cách nào để xử lí không?” Đôi khi trẻ sẽ đưa ra những phương án không ngờ, chứng tỏ khả năng tư duy và giải quyết vấn đề rất tốt của mình. Và bố mẹ nên thỏa hiệp với trẻ nếu có thể. Muốn trẻ nghe lời, hãy là cha mẹ biết nghe lời, không quá cứng nhắc và cực đoan với trẻ. Nếu bình thường bạn không cho phép con ăn kẹo nhưng nếu ở một hội nhóm có nhiều trẻ đang ăn kẹo, hãy thỏa hiệp cho trẻ được ăn 1-2 cây kẹo.
Việc giúp trẻ vượt qua cơn tức giận rất khó vì bố mẹ sẽ phải vượt qua cơn tức giận của mình trước. Nhưng chỉ cần bố mẹ nhìn nhận cơn tức giận của trẻ một cách đầy cảm thông và hiểu biết, trẻ sẽ dần dần học được cách kiểm soát cơn giận, hành động và cảm xúc của mình một cách hợp lí, có trí tuệ cảm xúc tuyệt vời.