Cứ 10 người trên thế giới thì có 9 người đang phải hít thở không khí có nồng độ ô nhiễm cao, theo báo cáo của WHO.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã thu thập dữ liệu về môi trường không khí ở 4.300 thành phố tại 108 quốc gia trong giai đoạn 2008 - 2015. Trong báo cáo được công bố hôm 1/5, mỗi năm khoảng 7 triệu người trên thế giới chết vì ô nhiễm không khí, theo CNN.
"Tôi e là mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều khu vực trên thế giới vẫn ở mức báo động cao. Sự ô nhiễm không khí hiện tại không chỉ là mối nguy hại lớn nhất đối với sức khỏe mà còn là một thách thức đối với y tế công cộng. Và có lẽ là thách thức lớn nhất theo dự đoán của chúng tôi", Tiến sĩ Maria Neira, giám đốc Ủy ban tế công cộng, WHO cho biết.
Các hạt li ti, hỗn hợp của các hạt chất rắn và lỏng lơ lửng trong không khí có thể xâm nhập sâu vào phổi khi bạn hít thở (bụi PM2.5). Nó có thể dẫn đến tình trạng hen suyễn, ung thư phổi, bệnh tim, đột quỵ, rối loạn tắc nghẽn mãn tính...
Các hạt rắn trong không khí này bao gồm sulfat, nitrat, cacbon... có nguồn gốc từ hoạt động của các phương tiện giao thông như xe hơi, xe tải lưu thông trên đường, sản xuất công nghiệp, nhà máy điện và hoạt động nông nghiệp... Năm 2016, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 4,2 triệu người trên thế giới, theo WHO.
90% dân số đang hít thở không khí bẩn: Cả thế giới cần thức tỉnh trước tác động vô cùng lớn của ô nhiễm trên toàn cầu
Phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... tạo ra các hạt bụ li ti, gây ô nhiễm không khí
"Môi trường không khí của nhiều siêu đô thị trên thế giới bị ô nhiễm gấp 5 lần mức tiêu chuẩn của WHO. Điều đó khiến chúng ta đang phải đối mặt với rủi ro sức khỏe rất lớn", bà Neira cho biết.
Người châu Á và châu Phí đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Hơn 90% các ca tử vong do ô nhiễm không khí xảy ra ở khu vực này. Bởi dữ liệu được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau nên các nhà nghiên cứu khó xếp hạng các thành phố bị ô nhiễm. Tuy nhiên, theo WHO, những thành phố bị ô nhiễm nặng nhất là Peshawar và Rawalpindi ở Pakistan - nơi có mức độ ô nhiễm không khí nặng nhất trong dữ liệu thu được. Varanasi và Kanpur ở Ấn Độ; Cairo; và Al Jubail, Saudi Arabia, cũng bị ô nhiễm không khí nặng. Không khí ở các thành phố lớn ở châu Mỹ, châu Âu và Địa Trung Hải cũng có nồng độ ô nhiễm vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn.
90% dân số đang hít thở không khí bẩn: Cả thế giới cần thức tỉnh trước tác động vô cùng lớn của ô nhiễm trên toàn cầu
Ngay cả trong nhà của người dân, không khí cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo WHO, hơn 40% dân số thế giới không được tiếp cận với công nghệ nấu ăn, chiếu sáng sạch. Nhiều gia đình sử dụng gỗ, phân khô hoặc than để nấu ăn hoặc đốt lò sưởi tạo ra các hạt bụi trong không khí.
Những cải tiến của công nghệ năng lượng không bắt kịp sự tăng trưởng của dân số. Điều đó dẫn đến 3,4 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà năm 2016, với đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, tín hiệu tốt là nhiều thành phố đang tổ chức theo dõi mức độ ô nhiễm không khí. Dữ liệu chính xác và thông tin kịp thời sẽ có ích, giúp chính quyền thức hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường, làm sạch không khí.
"Kết quả của nghiên cứu mới này đã gây ấn tượng mạnh mẽ, giúp cả thế giới thức tỉnh trước tác động vô cùng lớn của ô nhiễm không khí trên toàn cầu", theo Kevin McConway, một giáo sư về số liệu thông kê ứng dụng tại Đại học Mở, London.
Các chuyên gia gợi ý, mỗi người dân có thể thực hiên nhiều việc để giảm ô nhiễm không khí tại địa phương như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng thay vì lái xe riêng. Hạn chế đi ra ngoài khi mức độ ô nhiễm không khí tăng cao. Các thiết bị lọc không khí trong nhà như máy lọc không khí cũng hữu ích với việc giảm mức độ ô nhiễm.